Thứ Ba, 15 tháng 4, 2014

MẸ CHỒNG TÔI

Ảnh chụp mẹ chồng và con trai năm 2007


Tôi ít khi đàm tiếu chuyện người khác, nhất là với hàng xóm xung quanh, bước ra cửa gặp họ tôi chỉ chào hoặc dăm ba câu hỏi thăm chứ chẳng bao giờ ngồi buôn chuyện. Thế nên hôm rồi cô em gái cạnh nhà kể chuyện chị hàng xóm bị chồng đưa đơn ly dị ra tòa mà tôi cứ như người từ trên trời rơi xuống, chả biết gì cả. Cô em bảo: bà ấy quá đáng với bên gia đình nhà chồng lắm, bắt chồng phải chọn hoặc là bà ấy hoặc là mẹ chồng nên ông chồng đành chọn gia đình chồng. Tôi không nhận xét, chỉ chêm vào câu chuyện của cô em gái một câu: bà ấy cũng có con trai, sao không thử nghĩ sau này con dâu nó đối xử tệ với mình thì sao nhỉ?

Và tôi chợt nghĩ về mẹ chồng – người mẹ thứ hai của tôi.

Tôi có may mắn có được một bà mẹ chồng có thể nói là hiền lành chất phác hiếm thấy. Mỗi lần nhìn nụ cười hiền hậu của mẹ tôi lại nghĩ đến câu thơ: “Những cô hàng xén răng đen/ Cười như mùa thu tỏa nắng”. Mẹ sinh ra và lớn lên trong một làng dệt lụa ở Hà Tây, từ thời còn con gái mẹ đã nhuộm răng đen giống như một trào lưu của các cô gái thời bấy giờ. Mẹ mồ côi từ nhỏ, sống với người cậu ruột của mình. Dù được cậu thương nhưng mợ lại không cho mẹ đi học, bắt dệt lụa suốt từ sáng đến tối, nhiều hôm còn ngủ gật trên khung cửi. Có lần mẹ thấy những đứa trẻ trong làng đi học ham quá nên cũng mượn sách về xem để tập đọc chữ, bị mợ quát làm còn không hết việc mà chữ nghĩa gì. Thế nên con đường học hành của mẹ không được trọn vẹn. Nhưng chính những điều không trọn vẹn ấy hình thành trong mẹ một người phụ nữ tần tảo, cam chịu, hiền lành…

Khi tôi sinh con đầu lòng được một tuần thì ba chồng tôi qua đời. Ít lâu sau vợ chồng tôi đón mẹ lên ở cùng. Tôi không biết các bà mẹ khác đối với con dâu thế nào, còn mẹ chồng như người mẹ thứ hai của tôi. Mẹ tôn trọng mọi sở thích của tôi và trong cái hình thức bề ngoài có vẻ cổ điển xưa cũ của mẹ lại là một bà mẹ hết sức tâm lý và dễ tính. Mẹ hay khen khi thấy tôi mặc quần áo đẹp đi ra ngoài, không bao giờ khó chịu khi chồng tôi chiều chuộng tôi. Còn tôi cũng chẳng bao giờ lấy làm buồn về những lúc chồng tôi quan tâm mẹ hơn cả vợ.

Từ ngày lấy chồng, tôi và chồng nhiều lần mâu thuẫn nhưng tịnh chưa bao giờ có mâu thuẫn giữa mẹ chồng nàng dâu. Mỗi lần vợ chồng tôi có chiến tranh lạnh mẹ hay gọi riêng tôi vào phòng và nói, mẹ biết chồng con có cái sai của nó, con có cái khó của con, nhưng nhường nhịn chồng có gì mà thiệt, hoặc đại loại là những lời nhắc nhở nhẹ nhàng đúng với bản tính nhường nhịn cam chịu của mẹ. Tôi thì bướng bỉnh nên không phải lúc nào cũng nghe lời khuyên của mẹ chồng. Những lúc như thế mẹ chỉ buồn buồn chờ vợ chồng tôi qua cơn chứ không bao giờ lên tiếng bênh chồng tôi.

Mỗi lần con trai tôi uống sữa hay ăn đồ ăn thừa mẹ đều ăn hết, kể cả món cháo lươn còn dư nguội ngắt tanh ngòm mẹ cũng cố ăn. Mẹ bảo trẻ ăn không hết người lớn phải ăn, đừng đổ đi mang tội. Có lần gắp đồ ăn vào chén mẹ nhiều, mẹ ăn không hết nên bỏ một miếng sang chén của chồng tôi và bảo “nhiều quá, con ăn giúp mẹ một miếng”. Chồng tôi có vẻ không muốn ăn, “mẹ ăn đi, không hết cứ bỏ lại đó”. Lúc ấy mẹ chồng tôi tiếc lắm nhưng chỉ cười xòa. Đúng là nước mắt chảy xuôi, con cháu ăn không hết mẹ ăn thừa, còn mẹ ăn không hết con mang bỏ đi.

Một hôm tôi mua về tặng mẹ bộ quần áo, chắc thói quen của người lớn, mẹ hỏi hết bao nhiêu tiền. Khi tôi nói giá thật của bộ đồ mẹ suýt soa tiếc sao đắt thế. Nhiều món trái cây ngon đắt tiền mua về để tủ lạnh mẹ chẳng dám ăn, mẹ cứ sợ con cái tốn kém. Từ ấy mỗi khi mua bất cứ thứ gì, từ bó rau, cân thịt đến trái cây, hộp sữa, quần áo, đồ dùng… tôi đều nói giá giảm đi so với giá thật, có khi còn giả vờ khoe được người ta cho để mẹ chồng tôi an tâm mà dùng.

Cũng như những người già khác, mẹ chồng tôi không tiêu xài gì nhưng vẫn muốn dằn tiền trong túi. Thế nên thỉnh thoảng vợ chồng tôi hay đưa tiền mẹ dằn túi để mẹ vui lòng. Nhà tôi trái cây lúc nào cũng để nhiều trong tủ lạnh, còn kẹo bánh tôi hạn chế cho mấy đứa trẻ ăn. Vậy mà có hôm trong lúc vợ chồng tôi đi làm, mẹ đi bộ thật xa ra mãi ngoài chợ mua về mấy quả cam và mấy cái kẹo cho hai đứa nhỏ, bảo: quà của bà cho cháu. Nghĩ tới dáng mẹ lòng khòng đi ngoài đường xách túi cam mà tôi thấy thương sao là thương. Mẹ chồng tôi đấy, hiền lành, chân chất và mộc mạc biết bao!

Dạo này mẹ chồng tôi đang ở quê với anh trai chồng, mẹ có nhiều triệu chứng của bệnh hay quên ở người già. Mẹ ăn mà không nhớ mình ăn chưa, tắm mà không nhớ mình tắm chưa…, lại bị huyết áp cao mà không nhớ để uống thuốc đều đặn hàng ngày. Chồng tôi rất lo lắng cho sức khỏe cũng như vệ sinh, ăn uống của mẹ, tôi cũng lo theo nỗi lo của chồng tôi. Tôi bàn với chồng tìm một người giúp việc ở ổn định rồi đón mẹ lên ở cùng. Chồng tôi đã đồng ý với kế hoạch ấy, và hè này vợ chồng tôi sẽ về đón mẹ lên.

Có rất nhiều lý do khiến tôi muốn mẹ ở cùng vợ chồng tôi. Gia đình chúng tôi sẽ là một gia đình ba thế hệ hạnh phúc; Vợ chồng tôi sẽ yên tâm hơn khi mỗi ngày đi làm về được chăm sóc mẹ, nhắc nhở mẹ uống thuốc đều đặn. Các con tôi sẽ có cảm nhận về tình yêu thương, sự hiếu thảo mà vợ chồng tôi dành cho mẹ, những bài học trực tiếp mà không sách vở nào dạy được.

Tôi mong tất cả các cô gái đi lấy chồng đều gặp được người mẹ chồng tốt như mẹ chồng tôi. Nhưng dù mẹ chồng bạn thế nào, nếu bạn cư xử với mẹ bằng tình yêu thương chân thành thì chuyện Mẹ chồng - Nàng dâu chẳng bao giờ là vấn đề cản trở hạnh phúc trọn vẹn của một cuộc hôn nhân.